Nhận định Lý_Thường_Kiệt

Trong Bài bia ký chùa Báo Ân núi An Hoạch, Chu Văn Thường – một quan chức ở quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa đời Lý Nhân Tông ca ngợi Lý Thường Kiệt:

Nay có Thái úy Lý công, giúp vua thứ tư triều Lý... Ông đứng trước tiết lớn, vâng mệnh phù nguy, là người có thể gửi gắm đứa con côi, ủy thác mệnh lệnh ngoài trăm dặm. Rồi đó ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả. Đâu phải riêng nhà Hán có công huân Hàn, Bành, nước Tề có sự nghiệp Quản, Án. Riêng ông giúp vua thì nước nhà giàu thịnh nhiều năm. Đó chính là công tích rực rỡ của đạo làm tôi có thể để lại nghìn đời sau vậy.
— Chu Văn Thường

Bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn cũng ca ngợi ông:

Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả.
— Bia chùa Linh Xứng

Sử thần nhà Lê Trung hưng Ngô Thì Sĩ, trong sách Việt sử tiêu án, đã đề cao Lý Thường Kiệt qua việc so sánh chiến công đánh Tống của ông với các chiến thắng của Ngô Quyền, Lê Đại HànhTrần Hưng Đạo:

Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau này vua Ngô Tiên Chúa đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tôn đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đến đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tầu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ, không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích. Đến thơ từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào, thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm.
— Việt sử tiêu án

Sử gia đời Nguyễn Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, quyển IX, có nhận xét về vị trí của Lý Thường Kiệt so với các nhà chính trị, quân sự khác của Đại Việt thời Lý:

Danh tướng triều Lý chỉ có Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt là hơn cả. Công dẹp nạn, mở mang bờ cõi của hai người rõ rệt đáng ghi, không hổ là bậc tướng có tiếng và tài giỏi. Còn như Đào Cam Mộc giúp vua lên ngôi, Tông Đản đánh giặc, dẫu có công lao một thời, nhưng mưu lược không rõ rệt; công việc trong lúc làm quan không thấy gì cho nên không chép.
— Phan Huy Chú[30]